Công nghiệp tỷ đô livestream bán hàng ở Trung Quốc: Giấc mộng nữ hoàng livestream hay hoàng tử son môi

Livestream bán hàng là một mô hình kinh doanh trực tuyến trong đó các nhà bán lẻ, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội hoặc người nổi tiếng bán sản phẩm và dịch vụ của họ thông qua các dịch vụ phát video trực tuyến- nơi người thuyết trình trình bày, thảo luận về sản phẩm và trả lời những câu hỏi của khán giả có mặt trong buổi Livestream đó đặt ra.

Buổi phát trực tiếp này có thể diễn ra trên trang web thương mại điện tử hoặc trên nền tảng truyền thông xã hội. Nó có thể là cửa hàng hoặc thương hiệu cụ thể; những người có ảnh hưởng cũng có thể tổ chức các sự kiện phát trực tiếp quảng cáo các mặt hàng từ các nhà cung cấp khác nhau chẳng hạn…

Livestream bán hàng: Mũi nhọn nền kinh tế Trung Quốc. Ảnh: @Pixabay.

Thực tế, ngành Livestream bán hàng phát trực tiếp đã tăng mạnh ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Theo tạp chí  Forbes, ước tính ngành này thu về 60 tỷ USD hàng năm. Vào năm 2019, khoảng 37% người mua sắm trực tuyến ở Trung Quốc (265 triệu người) đã mua hàng qua Livestream. Vào Ngày hội mua sắm toàn cầu một ngày duy nhất thường niên năm 2020 của Taobao (ngày 11 tháng 11), các buổi phát trực tiếp đã mang về doanh thu 6 tỷ đô la (gấp đôi so với năm trước đó).

Vào năm 2021, thị trường mua sắm trực tuyến ở Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 2 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương hơn 300 tỷ USD. Vậy làm cách nào để ngành Livestream phát trực tiếp trở thành công cụ bán hàng hiệu quả, mạnh mẽ nhất cho Trung Quốc cho giai đoạn hiện nay?

Nguồn gốc của hình thức này bắt đầu từ năm 2016 khi một giám đốc sản phẩm trẻ tuổi tại Alibaba đang tìm kiếm những cách thức mới để làm cho việc kinh doanh thương mại điện tử của công ty mang tính chất gần gũi, giống như một cửa hàng trực tuyến thu nhỏ.

Vào thời điểm đó, lĩnh vực Livestream chưa được trưng dụng trong ngành bán hàng mà chủ yếu chiếm ưu thế trong các game trực tuyến như trò Huya, Douyu, Chushou và Panda TV, hay chủ yếu có trong các ứng dụng giải trí lớn hơn như Inke, Kuaishou và Momo. Sau đó, cô ấy đã nghĩ tới hình thức Livestream trước mắt để nhân rộng trải nghiệm tương tác với các nhân viên bán hàng của mình.

Ý tưởng đó đã đánh dấu sự ra đời “trúng đích” của  của Taobao Live, kênh livestream mua sắm chuyên dụng của Alibaba. Công nghệ “quy mô lớn, độ trễ thấp” của Taobao Live đứng hàng đầu thế giới trong ngành, với tốc độ trễ thấp hơn 55% so với mức trung bình của ngành cũng như độ trễ phát lại chỉ 1 giây, thấp hơn 72% so với trung bình. 

Công nghệ có độ trễ thấp này cho phép phát đồng thời video và âm thanh đến nhiều người xem cùng một lúc để người tiêu dùng có thể tham gia vào các hoạt động tương tác thú vị, theo thời gian thực, chẳng hạn như rút thăm xổ số và giảm giá nhanh (flash sales). Độ trễ tương tác thấp này cũng giúp thúc đẩy đáng kể tổng giá trị hàng hóa (GMV) và mức độ tương tác người dùng, từ đó tăng doanh thu cho doanh nghiệp.

Taobao Live cũng tận dụng các công nghệ hàng đầu trong ngành khác, bao gồm HD băng thông hẹp, nhận dạng thông minh, MC ảo và chatbot hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI). HD băng thông hẹp đạt được chất lượng livestream độ nét cao trong khi vẫn duy trì chi phí băng thông thấp và tăng khả năng lưu trữ cho người dùng. 

Điều này cho phép livestream và phát lại HD, và có thể kéo dài vòng đời nội dung và tạo điều kiện cho chiến lược tương tác lâu dài của thương hiệu với người hâm mộ. Người tiêu dùng mua hàng khi không có chương trình livestream trực tiếp cũng có thể xem các chương trình phát lại và liên lạc với đại diện dịch vụ khách hàng.

Trên kênh Taobao Live, người tiêu dùng có thể xem những người có ảnh hưởng hoặc thương hiệu yêu thích của họ trên một buổi phát trực tiếp, tìm hiểu về sản phẩm hoặc xu hướng, đặt câu hỏi và nhận câu trả lời theo thời gian thực, đồng thời mua hàng ngay lập tức mà không cần rời khỏi luồng phát sóng.

Sau đó, ngành này tiếp tục tự phát triển từ những ứng dụng Douyin, Tictok, Kwai những năm 2017, bán hàng trực tiếp trên mạng nhanh chóng trở thành trào lưu bán hàng mới nổi tại Trung Quốc, với sự tham gia của hàng loạt ông lớn công nghệ và ứng dụng bán hàng trực tuyến như Jingdong, Taobao, Weipinhui, Tmall, JD.com và WeChat. … 

Đặc biệt trong năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, số lượng khách hàng sẵn sàng ngồi trước máy tính hoặc nhìn vào điện thoại để mua hàng tăng đột biến. Các thành phố như Hàng Châu, Quảng Châu đầu tháng 4/2020 đã đưa ngành này vào chiến lược đào tạo nhân tài của địa phương. Nhiều người thuộc các lứa tuổi đều đang ôm một giấc mộng, viết tiếp câu chuyện thần thoại của nữ hoàng livestream Vi Á, hay hoàng tử son môi Lý Giai Kỳ, đó là những thần tượng bán hàng đình đám của ngành thương mại điện tử nước này.

Có thể thấy, ngành công ngghiệp Livestream bán hàng đã xóa mờ ranh giới giữa việc khám phá và mua sắm, mang đến trải nghiệm liền mạch không giống bất kỳ công nghệ nào khác.

Tờ Bloomberg nhận xét, không ở nơi nào có tiềm năng cho ngành công nghiệp livestream như ở Trung Quốc, nơi mua sắm trực tuyến đã trở thành thói quen của người dân và có những nền tảng mua sắm cực mạnh. Các nước phương Tây không hề có những phương tiện truyền thông xã hội đủ mạnh, hệ thống thanh toán thông minh như ở Trung Quốc.

Mãi những năm sau đó, Livestream nhanh chóng trở thành một trong những công cụ hiệu quả nhất để thúc đẩy doanh số bán hàng. Lấy thương hiệu chăm sóc gia đình Bissell làm ví dụ. Trong Ngày hội mua sắm toàn cầu 11/11 của Alibaba vào năm 2020 – sự kiện mua sắm lớn nhất thế giới – doanh nghiệp gia đình 143 tuổi này đã tổ chức 16 giờ phát trực tiếp liên tục để trình diễn máy hút bụi và các sản phẩm khác của mình. Hình thức phát trực tiếp đã giúp thương hiệu này tăng gấp bốn lần doanh số bán hàng so với một năm trước đó.

Cũng từ năm 2017 đến năm 2020, doanh số bán hàng do kênh Taobao Live tạo ra đã tăng ba con số mỗi năm. Tính đến tháng 3 năm 2021, tổng giá trị sản phẩm được bán trong 12 tháng trước đó trên Taobao Live đã vượt qua 76,3 tỷ USD.

Ngoài việc bán hàng, các thương hiệu nhận thấy rằng việc Livestream bán hàng mang lại cho họ khả năng kết nối với người tiêu dùng theo những cách tối ưu, tiện lợi dễ dàng, có tính tương tác cao mà trước đây chưa từng có được.

Nền tảng phát trực tiếp cung cấp cho các thương hiệu, nhà bán lẻ, người nổi tiếng khả năng phản hồi ngay lập tức từ các ý kiến của người tiêu dùng có trong buổi Livestream. Đây là một trụ cột hết sức quan trọng trong các chiến lược tiếp thị và thậm chí là cả quy trình phát triển, quảng bá sản phẩm”, Max Bissell, Phó Chủ tịch Bissell cho biết: “Đó là một ngành công nghiệp bán hàng trực tuyến cực kỳ mạnh mẽ đối với chúng tôi”.

Không ai dự đoán được việc phát trực tiếp sẽ trở nên quan trọng như thế nào trong những năm tới. Nhưng khi đại dịch Covid-19 hoành hành gần 2 năm qua, các thương hiệu và nhà bán lẻ trên khắp tTrung Quốc phải đối mặt với sự gián đoạn lớn nhất trong nhiều thập kỷ. 

Họ cần một cách để kết nối với những người mua sắm không thể ghé thăm các cửa hàng thực và Livestream bán hàng chính là câu trả lời thực tế, phù hợp nhất. Điển hình, người nông dân Trung Quốc đã ra đồng Livestream quá trình trồng trọt, thu hái và bán nông sản ngay tại vườn nhà mình, tạo cho khách hàng cảm giác tin tưởng hơn và có tính tương tác mua hàng nhanh hơn.

Thậm chí, các nhân viên bán hàng của cửa hàng bách hóa đã trở thành người tổ chức buổi phát trực tiếp và quảng bá sản phẩm tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc vật lý. Không chỉ ngành bán lẻ, livestream còn được ứng dụng trong mọi lĩnh vực như giáo dục, giải trí và du lịch, y khoa, từ livestream tư vấn tuyển sinh, giảng dạy và học tập trực tuyến, đến tổ chức các buổi tọa đàm, khám chữa bệnh từ xa hay  livestream các tour du lịch…

Giới phân tích cho rằng, chính đại dịch COVID-19 đã làm cho thị trường Livestream trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Thậm chí Chính phủ Trung Quốc còn lên tiếng ủng hộ, gọi thị trường này là “động cơ mới” cho tăng trưởng thương mại điện tử và khuyến khích livestream trở thành giải pháp đối với tình trạng thất nghiệp.

Gần hai năm sau khi bắt đầu hoạt động trên Taobao Live (nền tảng phát trực tiếp của Alibaba), Kim Kardashian West đã bắt đầu giới thiệu các sản phẩm của mình trong các buổi phát trực tiếp và đạt được những con số lý tưởng khổng lồ qua kinh doanh trực tuyến.

Khi Kim Kardashian West, ngôi sao truyền hình thực tế người Mỹ, biểu tượng mạng xã hội và nữ doanh nhân ra mắt nước hoa cùng tên của mình ở Trung Quốc, cô ấy không cần phải lên máy bay riêng và tổ chức một sự kiện hào nhoáng ở Thượng Hải. Thay vào đó, cô mặc một chiếc áo cổ lọ màu đen, ngồi trước một chiếc iPhone trong một căn phòng ở Ritz Carlton ở Thành phố New York. Chỉ trong vài phút, Kardashian đã tiếp cận hơn 13 triệu người tiêu dùng Trung Quốc, và bán hết toàn bộ số chai nước hoa mang thương hiệu “đôi môi” của cô.

Nhưng livestream mua sắm không chỉ giới hạn ở những người chuyên nghiệp. Càng ngày, các giám đốc điều hành và nhân viên của thương hiệu cũng phát trực tiếp đến người tiêu dùng của họ. Ngay cả những người nông dân cũng đang vào cuộc để giới thiệu nguồn gốc xuất xứ, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của mình

Tờ SCMP đưa tin, vào ngày 27/3/2021, Xinba đã bán được hơn 300 triệu USD hàng hóa chỉ trong một phiên bán hàng phát trực tiếp (livestream) duy nhất kéo dài 12 giờ trên nền tảng Kuaishou. Điều này cũng cho thấy tiềm năng thị trường của thương mại điện tử livestream đang ngày càng trở nên phổ biến trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Kuaishou là nền tảng livestream và chia sẻ video phổ biến thứ 2 ở Trung Quốc, sau Douyin – TikTok phiên bản Trung Quốc.

Vua bán hàng livestream Trung Quốc, doanh thu 12 tiếng nhiều hơn trung tâm thương mại Hong Kong bán hàng cả năm. Ảnh: @Sina.

Theo nhà cung cấp dữ liệu truyền thông xã hội Bihu Kankan, phiên bán hàng của Xinba đã thu hút tới bốn triệu người xem giúp anh ta đã bán được hơn 16 triệu mặt hàng gồm các danh mục đa dạng từ dầu gội đầu cho tới điện thoại thông minh. Tổng khối lượng hàng hóa (GVM) mang lại doanh thu 2 tỉ nhân dân tệ (tương đương 305,7 triệu USD).

Giống như phần lớn các nước khác, Trung Quốc cũng gặp khủng hoảng kinh tế và việc làm trong vài năm qua do đại dịch. Để giúp nền kinh tế hồi phục, chính phủ nắm bắt xu hướng, khuyến khích người dân tham gia Livestream. Cụ thể, vào tháng 2/2020, Bộ Thương mại Trung Quốc khuyến khích các nền tảng thương mại điện tử giúp nông dân bán nông sản trực tuyến, đặc biệt qua Livestream.

Trong tháng 3/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm một ngôi làng phía tây bắc. Tại đây, ông trò chuyện và khuyên nông dân bán nông sản bằng hình thức Livestream. Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, Chủ tịch Tập Cận Bình ca ngợi sức mạnh của thương mại điện tử, coi đây là cơ hội tiềm năng giúp người dân thoát khỏi cảnh nghèo đói.

Đến tháng 5/2020, Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc liệt kê người bán hàng livestream vào danh sách các nghề. Điều đó có nghĩa là Chính phủ đã bắt đầu công nhận đây là một công việc chính thức. Truyền thông nhà nước cho biết sự công nhận này sẽ giúp Trung Quốc tạo ra các nhóm việc làm mới để cân bằng tình trạng mất việc làm trong lĩnh vực sản xuất bị đại dịch đang dần xóa sổ.

Một số chính quyền địa phương thậm chí đang nỗ lực để biến các thành phố thành trung tâm mua sắm phát sóng trực tuyến. Hồi tháng 6/2020, giới chức tại Quảng Châu đã tổ chức lễ hội mua sắm Livestream kéo dài 3 ngày. Các doanh nghiệp tham gia thực hiện hơn 200.000 buổi phát sóng.

Fu Linghui – người phát ngôn của Cục Thống kê Quốc gia  cho biết: “Khi nền kinh tế phục hồi, thị trường việc làm đang mở rộng. Mô hình mua sắm trực tuyến đóng vai trò quan trọng trong ổn định thị trường”.

Chuyên gia Shen kết luận: “Bắc Kinh coi đây là một xu hướng có thể giúp duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và cũng như duy trì việc làm. Họ coi đây là một cơ hội. Tôi nghĩ nếu tạo ra cơ sở hạ tầng hỗ trợ, xu hướng này chắc chắn có thể giúp nâng cao nền kinh tế”.

Livestream bán hàng tại Trung Quốc giờ đã vô cùng phổ biến. Hiện nay, tại Trung Quốc, người người, nhà nhà đều sử dụng livestream như một kênh bán hàng chủ lực. Mọi thứ hàng hóa và dịch vụ đều được bán qua livestream, như từ bảo hiểm nhân thọ, bán gói vay, livestream dạy đầu tư cổ phiếu và hướng dẫn mua chứng khoán, bitcoin, bán tour du lịch, bán xe sang, nhà đất,…

Bán hàng livestream là trào lưu mới nổi, được xem là rất hiệu quả trong thời đại công nghệ số. Tuy nhiên, người tiêu dùng nên cẩn trọng để khỏi vừa mất tiền oan, lại chuốc bực tức vào người. Ảnh: @AFP.

Mặc dù Livestream là “động lực mới” của tăng trưởng và là một giải pháp cho tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng ở Trung Quốc, nhưng nó cũng tiềm ẩn những thách thức không hề nhỏ.

Nhiều người Livestream bán hàng bị cáo buộc quảng cáo sai và bán hàng hóa chất lượng thấp, hàng giả, hàng nhái. Với các nền tảng thương mại điện tử lớn, hàng hóa phần nào được sàng lọc, nhưng có một “đại dương” bao gồm các nền tảng mạng xã hội Livestream đầy rẫy trong thời gian thực nên rất khó để kiểm soát, kiểm duyệt được ngay.

Theo điều tra của Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc, có 37,3% người tiêu dùng gặp vấn đề chất lượng khi mua hàng qua mạng, nhưng chỉ có 13,6% khiếu nại. Nhiều kênh Livestream có tỉ lệ trả hàng lên đến 70%. 

Thực tế, Trung Quốc đã có quy định việc đăng ký, đóng thuế kinh doanh qua mạng; xử phạt đối với hành vi làm giả lượng giao dịch, lừa dối khách hàng. Tuy nhiên, do số người bán hàng Livestream quá đông, nhiều người không đăng ký nên rất khó khăn trong việc thống kê theo dõi. Chưa kể nhiều người tìm cách né thuế như gửi hàng bằng nhiều tên khác nhau, chuyển khoản vào tài khoản khác nhau.

Bên cạnh đó, một rủi ro lớn khác là mất thông tin cá nhân. Đối tượng lừa đảo có thể lấy UID (mã định danh) của người dùng trên Facebook. Với UID của người dùng, kẻ xấu có thể lợi dụng xác định được tên, tuổi, địa chỉ, email, số điện thoại…

Song song với việc khuyến khích phát triển Livestream, Chính phủ Trung Quốc đang siết chặt quản lý nhằm ngăn chặn, khắc phục mặt trái của hoạt động này. Dự thảo về quy tắc ngăn chặn hành vi độc quyền của các nền tảng internet vừa được công bố gần đây. Theo đó, người livestream phải cung cấp thẻ căn cước và mã tín dụng xã hội cho các nền tảng internet mà họ sử dụng.

Cũng theo quy tắc mới, những người bán hàng trực tuyến phải xem xét một cách kỹ lưỡng nội dung mà họ công khai trước công chúng, và ngừng mọi quảng cáo bất hợp pháp.

Với nền thương mại điện tử phát triển bậc nhất thế giới, thị trường Trung Quốc cũng chứng kiến sự thành công rực rỡ của phương thức bán hàng qua kênh phát trực tiếp, dẫn đầu bởi ông trùm thương mại điện tử Alibaba. Ảnh: @AFP.

Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) cho biết, các nội dung cổ súy cho thói quen xấu hoặc giả mạo lượt xem sẽ bị cấm, các nền tảng thương mại điện tử sẽ phải thiết lập danh sách đánh giá của những người Livestream bán hàng và đưa vào “danh sách đen” khi có bất kỳ hành vi vi phạm nào.

Các cơ quan chức năng Trung Quốc cũng khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên chọn mua hàng qua Livestream tại các trang tin cậy, gian hàng chính hãng, thương hiệu uy tín. Đồng thời, ghi lại màn hình để có thể làm bằng chứng khiếu nại, tranh chấp hoặc sản phẩm không đúng như cam kết.

Livestream bán hàng tại Việt Nam những năm qua có sự phát triển vượt bậc, đặc biệt là vào thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành. Mặc dù ở thời điểm hiện tại chưa có con số thống kê cụ thể. Trước đó, một thống kê của trang Brands Việt Nam cho biết thị trường Livestream Việt Nam vào năm 2018 đã đạt trị giá xấp xỉ 20 triệu đô la trong năm 2018- thời điểm đó khi Livestream bán hàng chỉ như “những đốm lửa nhỏ” và lẻ tẻ. Còn ngày nay, ngành Livestream bán hàng đã lớn hơn rất nhiều lần.

Theo vị đồng sáng lập Gostream Phạm Ngọc Duy Liêm, dự kiến mỗi ngày bình quân tại Việt Nam đang có khoảng từ 70-80 nghìn (phiên) livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội trong đó chủ yếu là Facebook.

Ngoài ra còn thêm khoảng 2.000-3.000 phiên livestream bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee live, Tiki Live, Lazada… Như vậy, tổng cộng tính bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng trên livestream, với sự tham gia của hơn 50 nghìn nhà bán hàng. “Tuy nhiên con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, đặc biệt tình hình Covid-19 vẫn còn phức tạp. Livestream bán hàng trong những năm tới vẫn còn tăng trưởng mạnh mẽ”, ông Liêm nhận định.

Dù vậy, có thêm các câu hỏi được đặt ra đại loại Livestream bán hàng ở Việt Nam đã được coi là ngành công nghiệp hay chưa? Các livestreamer tại Việt Nam đã coi đây là ngành nghề chính thức chưa?

Giới kinh doanh nền tảng và phần mềm hỗ trợ kinh doanh online đều khẳng định chưa. Bởi Livestream bán hàng tại Việt Nam vẫn còn tự phát, theo trào lưu và thiếu bài bản; các buổi Livestream của streamer được chuẩn bị còn sơ sài, tùy hứng, thậm chí số đông bán hàng còn theo kiểu khoe thân, chiêu trò, ít tương tác và thiếu cam kết. Bản thân sản phẩm được bán qua Livestream chủ yếu là rẻ tiền, chất lượng kém. Công nghệ Livestream cũng yếu và sơ sài.

Để bán hàng qua livestream tại Việt Nam trở thành ngành công nghiệp, theo ông Phạm Ngọc Duy Liêm cần có 3 yếu tố. Thứ nhất là hàng hóa. Cần có các hàng hóa tốt, dồi dào, chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh đưa lên bán trên các nền trảng Livestream. Điều này Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng.

Thứ 2 là các livestreamer. Cần phải có nhiều, rất nhiều các ngôi sao Livestream bán hàng, biết rất nhuần nhuyễn giữa giải trí và bán hàng. “Một ngành công nghiệp giải trí chỉ xuất hiện khi có ngôi sao. Không có Sơn Tùng MTP… thì không thể nào ngành công nghiệp âm nhạc có một lượng fan hâm mộ khổng lồ như hiện nay. Bóng đá cũng vậy”, ông Duy Liêm nói và cho rằng, ngành công nghiệp Livestream bán hàng tại Việt Nam cũng chưa có ngôi sao, nên việc các doanh nghiệp, tổ chức đang tham gia vào việc xây dựng lên một hệ thống các livestreamer sẽ ươm mầm để tạo ra những ngôi sao, khi đó mới khẳng định Livestream bán hàng là một ngành công nghiệp với đầy đủ tính chất và giá trị

Tin tức liên quan

Yếu tố nào khiến người dùng nâng cấp smartphone?

Yếu tố nào khiến người dùng nâng cấp smartphone?

Có rất nhiều lý do khiến người dùng mua những chiếc smartphone mới, nhưng đâu mới là lý do chính? Thực tế, những chiếc smartphone ngày nay khá giống nhau. Nếu tắt nguồn các thiết bị và xếp chúng cạnh nhau, … Readmore

Đọc tiếp

Xoăn sóng lơi: Top 30 kiểu đẹp trẻ trung dẫn đầu xu thế hiện nay

Xoăn sóng lơi: Top 30 kiểu đẹp trẻ trung dẫn đầu xu thế hiện nay

Kiểu Tóc xoăn nhẹ với các lọn tóc được làm xoăn ngẫu hứng nhẹ nhàng tạo cảm giác vô cùng ngẫu nhiên và quyến rũ. Dưới đây là tổng hợp những kiểu Tóc xoăn sóng lơi đẹp được say mê … Readmore

Đọc tiếp

Xếp hạng máy tính đáng chi tiền nhất nửa đầu năm 2021

Xếp hạng máy tính đáng chi tiền nhất nửa đầu năm 2021

Mặc dù thị trường máy tính bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu chip liên tục nhưng vẫn có rất nhiều sản phẩm thú vị được ra mắt. Trong hơn nửa năm qua, giới công nghệ không chỉ được chứng … Readmore

Đọc tiếp
(x)
(x)